Giới thiệu

 

KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI ĐỒNG NAI  

 

Ngày 29/6/2011, Khu DTSQ Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu DTSQ thứ 580 của thế giới và là Khu DTSQ thứ 08 tại Việt Nam, với tổng diện tích là 969.993 ha.

Việc được UNESCO công nhận danh hiệu Khu DTSQ Đồng Nai, đây là vinh dự và trách nhiệm to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Nai và các tỉnh hướng tới mục tiêu “Bảo tồn để phát triển - phát triển để bảo tồn”

          Khu DTSQ Đồng Nai trải rộng trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông. Trong đó:

- Vùng lõi: 172.502 ha, gồm: Vườn Quốc gia Cát Tiên: 72.208 ha và Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai: 100.294 ha.

- Vùng đệm: 349.995 ha.

- Vùng chuyển tiếp: 447.496 ha.

 Những giá trị nổi bật của Khu DTSQ Đồng Nai

- Có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú và đa dạng, đại diện cho rừng miền Đông Nam bộ (rừng mưa nhiệt đới). 

- Có vị trí đặc biệt quan trọng, nằm ở trung tâm của các tỉnh miền Đông Nam bộ, gần thành phố Biên Hòa (40km) và thành phố Hồ Chí Minh (70km).

- Trước đây là Căn cứ Cách mạng, có các di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia (Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ; Căn cứ Trung ương cục miền Nam; Địa đạo Suối Linh).

- Có hơn 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo ra nét đa dạng về văn hóa.

Định hướng phát triển

- Khu DTSQ Đồng Nai là hình mẫu về bảo tồn đa mục đích, đây sẽ là mô hình phát triển bền vững, hài hòa giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa được duy trì từ xa xưa. Các phong tục tập quán truyền thống được bảo tồn gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học. Mô hình này hứa hẹn triển vọng về công tác bảo tồn theo quan điểm “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”.

- Điều phối liên ngành: đó là việc chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, gồm: cơ quan quản lý và cộng đồng địa phương; các ngành chức năng và nhà doanh nghiệp; quốc gia và cộng đồng quốc tế.

- Kinh tế chất lượng: danh hiệu Khu DTSQ sẽ là nhãn hiệu “bảo chứng” cho chất lượng sản phẩm. Đây cũng là cơ hội đầu tư cho kinh tế Xanh, các hoạt động sản xuất hướng đến tính bền vững, thân thiện với môi trường.

Khu DTSQ Đồng Nai sẵn sàng liên kết, hợp tác với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà đầu tư, các tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế để thúc đẩy sự khám phá, nghiên cứu các tiềm năng của Khu DTSQ.

Kế hoạch hành động

- Truyền thông, giáo dục môi trường.

- Nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

- Nghiên cứu giá trị đa dạng sinh học và di sản văn hóa của Khu DTSQ để đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển.

- Xây dựng thương hiệu các sản phẩm địa phương.

- Hợp tác đầu tư phát triển du lịch.

- Đào tạo nguồn nhân lực.

Cơ chế quản lý của Khu DTSQ Đồng Nai

  Khu DTSQ Đồng Nai đã tổ chức kiện toàn bộ máy quản lý, gồm:

          - Ban quản lý Khu DTSQ Đồng Nai: 01 Trưởng ban và 04 Phó Trưởng ban. Trưởng ban do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiêm nhiệm, các Phó Trưởng ban, gồm lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên và Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (Phó Trưởng ban Thường trực). Ủy viên Ban quản lý, gồm lãnh đạo các Sở ngành, các tổ chức chính trị, xã hội thuộc tỉnh và chính quyền địa phương liên quan.

          - Hội đồng Tư vấn, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên.

        - Ban Thư ký: giúp việc cho Ban quản lý và Hội đồng Tư vấn Khu DTSQ Đồng Nai. Ban Thư ký làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và huy động từ Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai.

Cơ chế phối hợp giữa Khu DTSQ Đồng Nai với các tổ chức, ban ngành

Do Khu DTSQ nằm trên địa giới hành chính một số huyện thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đắk Nông nên việc phối hợp giữa các tỉnh trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học, di tích lịch sử, văn hóa là cần thiết.

Hoạt động Khu DTSQ là hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực cần căn cứ các chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và Ban quản lý các khu rừng đặc dụng phối hợp thực hiện theo quy chế quản lý Khu DTSQ Đồng Nai.

Trách nhiệm của người dân sống trong Khu DTSQ Đồng Nai:

          - Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và di sản văn hóa.
          - Có thái độ đúng đắn trong hành vi ứng xử với môi trường.

           - Có trách nhiệm bảo vệ các giống, loài thực vật, động vật hoang dã, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ rừng các hệ sinh thái.

           Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động, thực vật độc đáo, phong phú đa dạng.

 Ý nghĩa của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới

Theo định nghĩa của UNESCO, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQ) là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.

Việc xây dựng khu DTSQ là nhằm giải quyết một trong những vấn đề quan trọng nhất mà con người đang đối mặt hiện nay: Đó là làm thế nào để tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự phát triển kinh tế - xã hội, duy trì các giá trị văn hoá truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.

Chức năng của Khu DTSQ thế giới

Mỗi Khu DTSQ có ba chức năng chính:

- Bảo tồn: thực hiện chức năng bảo tồn hệ sinh thái, đóng góp một cách tích cực nhất vào việc bảo tồn đa dạng di truyền, loài, hệ sinh thái và cảnh quan;

- Phát triển: phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững về sinh thái cũng như các giá trị văn hoá truyền thống;

- Hỗ trợ: trợ giúp nghiên cứu, giám sát, giáo dục, trao đổi thông tin giữa các địa phương, quốc gia, quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững. 

07 tiêu chí để trở thành Khu DTSQ thế giới:

1. Khu vực đề cử có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những khu vực phát triển có các mức độ tác động khác nhau của con người.

2. Khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao.

3. Khu vực đó có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững ở cấp độ vùng.

4. Khu vực có diện tích thích hợp, để đáp ứng được ba chức năng của Khu DTSQ.

5. Khu vực đó, có đủ những phân vùng thích hợp, để thực hiện 03 chức năng của Khu DTSQ thông qua:

+ Vùng lõi có diện tích đủ lớn, được thiết lập bởi pháp luật, hoặc một vùng được dành riêng cho việc bảo tồn lâu dài.

+ Vùng đệm được xác định rõ ràng, bao quanh hoặc kết nối với các vùng lõi, nơi dành cho các hoạt động hài hòa với bảo tồn.

+ Vùng chuyển tiếp dành cho việc khuyến khích và tạo ra các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững.

6. Có bộ máy quản lý để huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan, giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và khối tư nhân để xây dưng chương trình và thực hiện các chức năng của Khu DTSQ.

7. Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận, bao gồm: các cơ chế quản lý các hoạt động và khai thác của con người tại vùng đệm; có một chính sách hoặc kế hoạch quản lý cho toàn Khu DTSQ; có một cơ chế hoặc đội ngũ quản lý được thành lập để thực hiện chính sách hoặc kế hoạch đó; có các chương trình nghiên cứu, quan trắc, giáo dục và đào tạo.

          Cấu trúc của một Khu DTSQ thế giới

 Khu DTSQ chia thành 03 khu vực chính:

- Vùng lõi : là khu vực ưu tiên cho bảo tồn đa dạng sinh học và giám sát các hệ sinh thái, nghiên cứu, giám sát không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học.

- Vùng đệm: thường bao quanh các vùng lõi, đây là hành lang hạn chế tác động của con người đến hoạt động bảo tồn ở vùng lõi. Tại vùng đệm, các hoạt động phát triển kinh tế, khai thác hợp lý tài nguyên, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, tạo sinh kế cho người dân được tổ chức trong giới hạn cho phép.

- Vùng chuyển tiếp: các mô hình phát triển kinh tế, hợp tác để phát triển được khuyến khích với sự tham gia của cán bộ quản lý, các cơ sở kinh tế, các tổ chức đoàn thể, tôn giáo, văn hóa, xã hội, các nhà khoa học, tuyên truyền và giáo dục…

Mạng lưới các Khu DTSQ thế giới

Mạng lưới của các Khu DTSQ thế giới được hình thành vào năm 1976. Đến ngày 31/6/2015 đã có 651 Khu DTSQ thế giới thuộc 120 quốc gia và 15 vùng lãnh thổ. Tính đến tháng 6/2015 các nước có nhiều Khu DTSQ nhất là Mỹ (47), Tây Ban Nha (45), Nga (41), Mexico (41), Trung Quốc (31)…

Việt Nam hiện nay đã được UNESCO công nhận 09 Khu DTSQ thế giới.

Các Khu DTSQ thế giới tại Việt Nam:

 

TT

Tên Khu DTSQ

Ngày công nhận

Diện tích

(ha)

Địa giới

hành chính

1

Khu DTSQ ngập mặn Cần Giờ

21/01/2000

71.370

TP Hồ Chí Minh

2

Khu DTSQ Đồng Nai

Lần 1: 10/11/2001

Lần 2: 29/06/2011

726.798

969.993

Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông

3

Khu DTSQ Cát Bà

02/12/2004

26.241

TP Hải Phòng

4

Khu DTSQ đất ngập nước ven biển châu thổ sông Hồng

20/12/2004

105.557

Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình

5

Khu DTSQ Kiên Giang

27/10/2006

1.188.104

Tỉnh Kiên Giang

6

Khu DTSQ miền Tây Nghệ An

18/9/2007

1.303.285

Tỉnh Nghệ An

7

Khu DTSQ Mũi Cà Mau

26/5/2009

371.306

Tỉnh Cà Mau

8

Khu DTSQ Cù Lao Chàm, Hội An

26/5/2009

33.146

Tỉnh Quảng Nam

9

Khu DTSQ Lang-Biang

09/06/2015

275.439

Tỉnh Lâm Đồng